Tại Việt Nam Bell_UH-1_Iroquois

Đây là loại trực thăng được Mỹ sử dụng phổ biến nhất trên Chiến trường Việt Nam.

Trong một báo cáo gửi Bộ Quốc phòng Mỹ, Paul D. Harkins nhận định địa hình miền Nam Việt Nam và những hình thức mà Quân Giải phóng tiến hành chiến tranh du kích, hoàn toàn phù hợp với chiến thuật "trực thăng vận", đồng thời đề xuất Lầu Năm Góc chấp thuận cho thành lập một đơn vị thí điểm. Biệt đội 57 ra đời, trang bị loại UH-1A Iroquois, bay lần đầu vào tháng 3-1960. Được trang bị một động cơ piston công suất 670 mã lực, tốc độ tối đa 198 km/giờ, bay cao tối đa 3.600 mét, hoạt động trong phạm vi 450 km, UH-1A có thể chở được 10 lính. Quân đội Mỹ xây dựng một phương án chuẩn trong việc sử dụng máy bay UH-1A phục vụ chiến thuật "trực thăng vận": mỗi phi vụ đổ quân có 1 trực thăng chỉ huy và tùy theo số lượng binh lính tham gia, có thể có từ 10 đến 50 chiếc UH-1A chở lính, 5 hoặc 15 trực thăng vũ trang UH-1A bay theo yểm trợ. Ngoài ra còn có vài chiếc UH khác làm nhiệm vụ cấp cứu, tải thương. Đến năm 1964, quân Mỹ được bổ sung thêm loại UH-1B rồi sau đó là UH-1D, mỗi chiếc chở được 12 lính hoặc 6 cáng cứu thương, tốc độ bay tăng lên 215 km/giờ. Từ đó cho đến giữa năm 1972, vào những lúc cao điểm, có hơn 3.900 trực thăng Mỹ hoạt động ở chiến trường Việt Nam, 2/3 trong số đó là UH-1B và UH-1D.[1].

Binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đang cố trèo lên một chiếc trực thăng UH-1 để di tản trong trận An Lộc, 1972

Thời gian đầu, Quân Giải phóng miền Nam gặp phải một số thiệt hại vì chiến thuật "trực thăng vận" nhưng không lâu sau đó, họ đã sáng tạo ra nhiều cách đánh trả. Các trọng liên phòng không DShK 12,7mm và KPV 14,5mm là một mối nguy hiểm lớn với UH-1, bởi đây là loại vũ khí gọn nhẹ, rẻ tiền, thích hợp với chiến thuật phục kích mà các đơn vị phòng không Việt Nam thường sử dụng. Quân Việt Nam thường dùng chiến thuật ẩn nấp dưới hầm hoặc tán cây, đợi trực thăng Mỹ sà thấp tìm mục tiêu hoặc đổ quân thì sẽ nổ súng, vài phát đạn bắn trúng thường là đủ để hạ chiếc UH-1. Ví dụ như ngày 13/9/1968, Đại đội 18 với 2 khẩu DShK và 40 viên đạn đã bắn rơi tại chỗ 2 chiếc trực thăng UH-1, trong đó 1 chiếc đang chở ban chỉ huy Mỹ, giết chết thiếu tướng Mỹ Keith Lincoln Ware (Tư lệnh Sư đoàn 1 "Anh Cả Đỏ" của Mỹ)[2]

Trung úy Kennmore, phi công trực thăng thuộc Sư đoàn Kỵ binh không vận số 1 kể: "Những chuyến bay lên vùng ba biên giới Việt Nam, Campuchia, Lào rất kinh hoàng. Việt Cộng lúc này ngoài súng phòng không 12,7mm thì họ còn có tên lửa vác vai. Để tránh hỏa lực của họ, chúng tôi thường phải bay thật cao nhưng lúc xuống, trực thăng không thể xuống nhanh như những loại máy bay khác, và thế là dính đạn. Có lần hạ cánh ở sân bay Pleiku, tôi đếm được 14 vết đạn trên thân máy bay, may mà không trúng những bộ phận hiểm yếu…"[3].

Theo thống kê của trang mạng vhpa.org (Vietnam Helicopter Pilots Association – Hội Phi công trực thăng Mỹ trên chiến trường Việt Nam), tổng cộng đã có 7.013 chiếc UH-1 tham chiến ở Việt Nam, chiếm 59,3% tổng số trực thăng tham chiến[4]. Số máy bay này gồm nhiêu phiên bản như UH-1 nguyên bản (80 chiếc), UH-1A (8 chiếc), UH-1B (729 chiếc), UH-1C (696 chiếc), UH-1D (1.926 chiếc), UH-1E (156 chiếc), UH-1F (31 chiếc), UH-1H (3.375 chiếc), UH-1L (2 chiếc), UH-1M (5 chiếc), UH-1N (2 chiếc), UH-1P (3 chiếc)[5]. Phần lớn các máy bay UH-1B và hầu như tất cả số UH-1C đều được sử dụng như các phiên bản vũ trang yểm hộ hỏa lực. UH-1H là phiên bản được sử dụng phổ biến nhất để chở quân, tải thương… Hầu hết số máy bay tham chiến ở Việt Nam đều thuộc biên chế lục quân Mỹ[6]. Ngoài ra, 914 chiếc UH-1 được Mỹ viện trợ cho không quân Sài Gòn, chiếm 34% trong tổng số 2.750 máy bay mà Mỹ viện trợ cho quân đội này[7].

Gần 4.200 chiếc UH-1 đã bị quân đội Việt Nam bắn rơi, phá hủy hoặc bị tịch thu, bao gồm 3.305 chiếc UH-1 của quân đội Mỹ, khoảng 800 chiếc UH-1 của quân đội Sài Gòn và một số chiếc của quân đội Úc. Tống số phi công UH-1 của Mỹ bị chết là 1.151 người, chiếm 44,4% số phi công trực thăng Mỹ thiệt mạng ở Việt Nam (2.165 người, chiếm 5% trong số hơn 40.000 phi công trực thăng Mỹ tham chiến)[8].